Ngay cho đến khi năm 2022 sắp kết thúc, Elon Musk vẫn tiếp tục là nhân vật gây tranh cãi.
Có thể nói, vị tỉ phú này sở hữu những đặc điểm tính cách của một người đa nhân cách, vừa có tính khí thất thường, tính cách nổi loạn hay làm khác người, nhưng cũng có những điều làm lợi cho thế giới.
Elon Musk gây tranh cãi từ các phát ngôn, cách hành xử, quan điểm cũng như cách điều hành doanh nghiệp (đặc biệt là tại Twitter vừa qua) cũng như cho tới cách sống. Ông cũng không chỉ gây tranh cãi trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, mà còn "lấn" sang cả chính trị (kêu gọi và ủng hộ đảng phái trong bầu cử giữa kỳ tại Mỹ trong tháng 11/2022), chiến tranh (từng đề cập đến cuộc chiến tranh giữa Nga - Ucraina hiện nay).
Đó là một Elon Musk dị thường mà chúng ta mới thấy được rõ hơn gần đây, khi vị tỉ phú dường như đã quá thỏa mãn với thành công tại Tesla và lấn sang lĩnh vực mạng xã hội với thương vụ cá nhân thâu tóm Twitter lên tới 44 tỉ USD.
Tuy nhiên nhìn chung, nhân vật gây tranh cãi Elon Musk đã gây ra những tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực, đơn cử như việc mở lại tài khoản Twitter cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, thả lỏng việc kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội này, tìm mọi cách để tăng thu cho Twitter và một mặt đuổi việc hơn một nửa số nhân sự trong tổng số khoảng 7.000 nhân viên trong một khoảng thời gian ngắn, đưa guồng máy Twitter vào cách quản trị như một phiên bản của Tesla gây ra các cuộc ra đi của những nhân vật quản lý cấp cao hay các kỹ sư có tay nghề đã làm việc lâu năm tại Twitter…
Có thể thấy, từ khi tiếp quản Twitter, Elon Musk rất chóng vánh đã lái con thuyền này theo hướng khác, chưa thấy rõ là tốt hơn hay tốt lên nhưng các hệ lụy thì lại quá rõ, cụ thể là các nội dung giả mạo, nội dung gây tranh cãi, các thông tin thiếu kiểm soát, đã gia tăng trên Twitter.
Một mặt Elon Musk giương cao chiêu bài tự do ngôn luận khiến Twitter trở nên nơi chứa chấp các thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng. Nhưng mặt khác, Elon Musk lại sẵn sàng ra tay khóa tài khoảng nhiều nhà báo trong thời gian qua vì liên quan tới việc đăng các thông tin liên quan tới chính vị tỉ phú này. Có thể thấy, vị tỉ phú điều hành Twitter theo kiểu của một ông chủ toàn quyền và bất chấp các thông lệ, tiêu chuẩn cộng đồng vốn có tại mạng xã hội này, và tính khí thất thường, khó lường đang gây ra những hệ lụy có thể dẫn đến làn sóng người dùng từ bỏ Twitter.
Musk gần đây lấy ý kiến khảo sát từ người dùng về việc ông có nên từ chức tại Twitter hay không và không ngoài dự đoán, 57,5% lượng người bình chọn cho rằng Elon Musk nên rút lui khỏi vị trí điều hành tại mạng xã hội này.
Có thể thấy, Musk sẽ rút lui là vì áp lực, từ dư luận người dùng, các cơ quan quản lý tại Mỹ, Châu Âu và nhiều quốc gia. Và đặc biệt, các nhà đầu tư tại Tesla cho rằng Musk đã phân tâm cho Twitter và thiếu sâu sát việc kinh doanh tại Tesla, khiến giá cổ phiếu của hãng xe điện này liên tục sụt giảm mạnh.
Khảo sát là chiêu trò, để tạo cái cớ hợp lý cho việc rút lui khỏi vị trí điều hành tại Twitter để khỏi bẽ mặt mà thôi. Điều đó biến những gì Elon Musk đã thực thi tại mạng xã hội này như một cuộc dạo chơi gây ra nhiều đổ vỡ. Chưa thể xác định rõ sự đổ vỡ đó là hệ lụy tự nhiên từ tính khí thất thường trong quản trị của vị tỉ phú gây ra hay sự cố tình đập bỏ để xây lại.
Nhưng có thể thấy, nếu Elon Musk không "đập phá" Twitter thì cũng rất khó để mạng xã hội này có động thái thay đổi từ gốc. Bao năm qua, Twitter cứ hoạt động tà tà, làm ăn kém hiệu quả, số lượng người dùng hơn 200 triệu cứ thế bình bình mà không hề có tăng trưởng đột phá. Giờ đây, từ cú "đập phá" của Elon Musk, Twitter càng có lý do và cái đà để xây dựng lại theo hướng tái cấu trúc tổ chức và hoạt động cho hiệu quả hơn.
Điều Elon Musk đã làm tại Twitter không có thể hẳn là "phá để xây" mà không loại trừ khả năng Musk "đập" những gì ông thấy "chướng tai gai mắt", nhưng lại không mang tới được những thay đổi tích cực, chí ít là một đường hướng và cấu trúc kinh doanh mới có sự bật mạnh mẽ hơn. Đó là sai lầm. Bởi nếu đập để xây thì Twitter cần được hướng đến cấu trúc kinh doanh thông minh hơn chứ không chỉ sống dựa vào quảng cáo. Thậm chí ngược lại, Musk còn làm nản lòng những khách hàng quảng cáo lớn và lâu năm tại Twitter.
Chính vì thế, nếu bình chọn Elon Musk là nhân vật của năm trong thế giới công nghệ thì đó chính là nhân vật gây tranh cãi nhất chứ không phải nhân vật được vinh danh một cách đẹp đẽ với những việc làm thuyết phục được hàng tỉ người dùng trên thế giới đánh giá cao.
Lê Trọng (Nguồn: TH&PL)