Xe điện

Dân tình bất ngờ vì ôtô điện băng băng qua nước ngập ở Hà Nội

Tình trạng nhiều tuyến đường ngập sâu là vấn đề phổ biến tại Việt Nam mỗi khi mùa mưa đến. Không chỉ gây bất tiện trong việc đi lại, những đoạn đường ngập còn gây ảnh hưởng xấu đến phương tiện khi người lái cố gắng vượt qua.

Chia sẻ
Theo dõi VieZ trên
Dân tình bất ngờ vì ôtô điện băng băng qua nước ngập ở Hà Nội

Hình ảnh những chiếc ôtô nằm chịu trận giữa làn nước ngập tại Hà Nội chính là tâm điểm được nhiều người bàn tán trong thời gian qua. Trước đó, video về một chiếc xe điện VinFast vô tư chạy qua đoạn đường ngập sâu cũng làm nổi lên sự so sánh về khả năng lội nước của xe điện và động cơ đốt trong. 

Xe điện “bơi lội” giỏi hơn xe động cơ đốt trong

Mỗi mẫu xe điện được sản xuất đều có khả năng kháng nước và bụi, còn gọi là chỉ số chống xâm nhập, nhưng phổ biến nhất là tiêu chuẩn IP67 hoặc IP65. Chỉ số IP càng cao thì khả năng chống bụi và nước càng tốt.

dan tinh bat ngo vi oto dien bang bang qua nuoc ngap o ha noi - anh 0
Nhiều tuyến đường tại Hà Nội ngập sâu sau cơn mưa lớn hôm 29/5. Ảnh: Linh Codon.

Trên trang web của hãng, VinFast cho biết VF e34 được trang bị loại pin Lithium-ion (NCA) đạt tiêu chuẩn IP67. Mẫu xe điện Hyundai Ioniq 5 vừa được giới thiệu tại thị trường Việt Nam cũng có chỉ số IP67. Bảng xếp hạng chỉ số kháng bụi và nước gồm có IP44, IP54, IP56, IP65, IP66 và IP67. Trong đó IP67 là chỉ số cao nhất.

Các dòng xe điện hiện đại ngày nay có thể di chuyển ở mực nước cao tới 1 m trong khoảng 30 phút mà vẫn an toàn. Ngoài ra, khối pin bên trong xe thường được trang bị nhiều lớp bảo vệ và có khả năng tự cách điện với phần còn lại.

Tuy nhiên, hãng cũng khuyến cáo người dùng không nên chủ quan khi di chuyển ôtô điện đi đường ngập sâu trong thời gian dài, vượt quá điều kiện cho phép để hạn chế rủi ro xảy ra.

Dù xe điện có khả năng lội nước tốt hơn xe động cơ đốt trong, nhưng đây vẫn là phương tiện di chuyển trên đường bộ. Để đảm bảo an toàn và tuổi thọ của xe, người dùng không nên thường xuyên đi vào vùng nước ngập.

dan tinh bat ngo vi oto dien bang bang qua nuoc ngap o ha noi - anh 0
Hình ảnh chiếc VinFast VF e34 vô tư băng qua đoạn đường ngập sâu gần ngang nắp capo, bên cạnh những chiếc xe động cơ đốt trong đứng chịu trận. Ảnh cắt từ video.

Đối với xe động cơ đốt trong, cần phải chế hòa khí mới có thể hoạt động. Chính vì thế khi đi vào vùng ngập sâu, nước có thể lọt qua cổ hút khí dẫn đến hiện tượng thủy kích, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho động cơ. Xe điện không cần chế hòa khí, thay vào đó nó hoạt động nhờ pin, mô-tơ điện và các hệ thống điện tử khác.

Anh Phạm Hoàng Đức, chủ một cơ sở nâng cấp ôtô tại quận 2, TP Thủ Đức cho biết: "Người cần oxy để sống, xe có động cơ đốt trong cũng cần oxy để đốt cháy nhiên liệu sinh công mới chạy được, nếu đi qua các môi trường ngập nước thì khả năng nước bị hút vào động cơ gây thủy kích rất cao. Trong khi xe điện không hút khí, thêm nữa các chi tiết động cơ hay jack cắm đều có ron chống nước, kèm theo là các phần điện tử như động cơ, lõi đồng đều được phủ lớp keo chống nước. Nên khả năng "sống sót" cao hơn các xe có động cơ đốt trong".

Ôtô điện là phương tiện đường bộ, không phải tàu thủy

Hệ thống pin và mô-tơ trên hầu hết mẫu ôtô điện đều được thiết kế có khả năng kháng nước, tuy nhiên xe điện còn có các hệ thống điện tử khác như BCM, cảm biến... những bộ phận này vẫn có khả năng bị hư hỏng nếu gặp nước. Về cơ bản, xe điện (EV) cũng chỉ là phương tiện đường bộ, nên việc thường xuyên lội nước vẫn có thể phát sinh ra những hậu quả không mong muốn. 

Việc sửa chữa những bộ phận trên cũng mất thời gian, tiền của và gây bất tiện cho người dùng. Khi gặp vùng nước ngập sâu, tốt nhất người lái nên tìm hướng đi khác hoặc dừng lại chờ nước rút rồi đi tiếp. Ngoài việc có thể hỏng xe thì dưới vũng nước ngập cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như hố sâu hay đinh nhọn.

dan tinh bat ngo vi oto dien bang bang qua nuoc ngap o ha noi - anh 0
Dù có khả năng lội nước tốt, xe điện vẫn có thể gặp vấn đề nếu đi vào vùng nước sâu.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc nâng cấp, sửa chữa ôtô, anh Hoàng Đức cho biết dù có khả năng lội nước, nhưng xe điện vẫn có thể gặp những rủi ro nếu thường xuyên đi vào vùng ngập nước. Các lớp ron và keo chống nước sau thời gian có thể bị lão hóa và hao mòn, đây là những chi tiết mà người dùng ít kiểm tra và khó phát hiện.

Khi đi vào vùng ngập, nước sẽ đọng lại trong các chi tiết này, về lâu dài có thể gây ăn mòn và rò điện, gây nguy hiểm cho xe lẫn người dùng. Không chỉ riêng xe điện, các phương tiện khi đi vào vùng ngập thường xuyên có thể bị đọng nước trong chi tiết truyền động hoặc các jack cắm điện. Nên tốt nhất sau khi đi qua vùng ngập nước, người dùng nên vệ sinh xe để giảm thiểu rủi ro hỏng hóc.

"Dưới vùng nước ngập có thể có chướng ngại vật, nắp cống bị sụp, nếu không may xe điện sụp hố hay va phải chướng ngại vật, gói pin dưới gầm có thể bị chọc thủng và gây rò rỉ điện. Điều này rất nguy hiểm vì điện thế sử dụng trên xe điện rất cao", anh Hoàng Đức nói thêm.

Đáng chú ý, trên trang web của VinFast cũng lưu ý việc bảo hành sẽ không được áp dụng cho tất cả các hư hỏng do việc bảo quản xe ôtô, vận chuyển xe ôtô không đúng quy định tại Hướng dẫn sử dụng, sử dụng ôtô không đúng cách (đua xe, chở quá tải, đi xe vào đường bị ngập nước…), tai nạn, bị ngoại lực tác động hoặc các tình huống tương tự khác.

Chính vì thế, trong trường hợp xe điện bị hư hỏng do đi vào vùng nước ngập sẽ không nhận được các chính sách bảo hành.

 (Nguồn: TH&PL)

Chia sẻ