iPhone 14 series đã bắt đầu mở bán từ 16/9 tại một số thị trường lớn. Trong sự kiện trước đó, Apple quảng cáo nhiều trải nghiệm đột phá trên bộ tứ iPhone 14, khiến nhiều iFan quyết định xuống tiền rinh về siêu phẩm công nghệ của năm 2022. Nhưng đối với người dùng Android, những nâng cấp này chẳng lấy gì làm mới mẻ.
Công nghệ ghép pixel
Bộ đôi iPhone 14 Pro lần đầu được trang bị camera 48 megapixel (MP) thay vì camera 12 MP như các đời iPhone trước đây. Với nhiều pixel nằm trong một cảm biến camera nhỏ của smartphone, rất khó để mỗi pixel nhận đủ ánh sáng và tạo ra một bức ảnh đẹp.
Vì vậy, các nhà sản xuất đã ghép nhiều pixel lại với nhau để chúng hoạt động như một pixel lớn, cho phép các cảm biến xử lý ánh sáng chiếu tới mà vẫn duy trì độ phân giải cao. Samsung Galaxy S21, OnePlus 9, Xiaomi Mi 11 Ultra cùng nhiều điện thoại Android giá rẻ khác đã áp dụng công nghệ này từ lâu.
Quay video chống rung
Nhờ những tiến bộ trong phương pháp ổn định hình ảnh và xử lý hậu kỳ, các điện thoại Google Pixel 5 và Samsung Galaxy S20 đã có chế độ Active Stability và Super Steady, giúp người dùng quay video mượt mà như GoPro khi đang chuyển động.
4 mẫu iPhone 14 năm nay đều có Action mode, chế độ tạo ra những thước phim ổn định trong khi vận động mạnh (chạy, nhảy...). Apple đã sử dụng tính năng ổn định hình ảnh quang học kết hợp với công nghệ kỹ thuật số, giúp khung hình không thua kém gì việc sử dụng gimbal. Tuy nhiên, trong cuộc chơi này, Táo khuyết đã quá chậm chân.
Màn hình luôn bật
Màn hình luôn bật là tính năng tiêu chuẩn trên điện thoại Lumia Windows, được giới thiệu vào năm 2013. LG cũng đã tiên phong áp dụng tính năng này trên các mẫu đồng hồ thông minh của mình, thậm chí trước cả Samsung.
Greg "Joz" Joswiak, Phó Chủ tịch cấp cao về Marketing của Apple, cho biết công nghệ LTPO trên màn hình Super Retina XDR của iPhone 14 Pro cho phép màn hình chạy ở tần số quét 1 Hz, tiêu tốn ít năng lượng hơn. Samsung Galaxy S22 Ultra phát hành đầu năm nay đã được trang bị công nghệ màn hình tương tự.
Camera hình viên thuốc
Sau khi Apple giới thiệu tai thỏ trên iPhone X vào năm 2017, các nhà sản xuất Android đã nhanh chóng tìm cách "tém lại" camera selfie bằng cách thu nhỏ vết rãnh so với tai thỏ, hoặc chuyển sang thiết kế đục lỗ. Nhiều công ty thậm chí còn tiến xa hơn, chẳng hạn OnePlus 7 Pro sở hữu camera selfie dạng pop-up, hay Samsung Galaxy Z Fold3 trang bị camera selfie ẩn dưới màn hình.
Camera selfie hình viên thuốc mà Apple sử dụng trên iPhone 14 Pro cũng từng được nhiều hãng thử nghiệm. Bù lại, hãng đã tạo ra Dynamic Island, một tính năng phần mềm tích hợp "viên thuốc" vào giao diện người dùng, sử dụng các chuyển động hình ảnh độc đáo để phát thông báo một cách mới mẻ.
Trần Đình Hoàn (Nguồn: th&pl)