Dẫu nhiều người "chán chường" khi thấy chữ "China" xuất hiện trên iPhone. Nhưng trên thực tế, không phải mọi thứ tạo nên sản phẩm Apple đều đến từ một nơi.
Chẳng hạn, màn hình iPhone sẽ do Samsung và LG (Hàn Quốc) hoặc BOE (Trung Quốc) sản xuất. Kính bảo vệ màn hình Gorilla được sản xuất từ dây chuyền Corning đặt ở Mỹ, Đài Loan hoặc Nhật Bản.
Bộ nhớ flash và DRAM có thể đến từ nhà máy Kioxia ở Nhật Bản. Còn SoC A-series của Apple là silicon tùy chỉnh, được thiết kế ở California nhưng sản xuất bởi công ty Đài Loan TSMC.
Cảm biến hình ảnh sẽ do Sony của Nhật sản xuất. Song, module camera hoàn chỉnh lại được lắp ráp bởi LG Innotek.
Apple cũng dựa vào các bên thứ ba để có những thành phần nhỏ hơn, đôi khi tùy biến riêng chỉ cho họ sử dụng. Chẳng hạn IC quản lý nguồn, bộ vi điều khiển USB, chipset không dây,... Chúng có thể được lấy từ các công ty lớn như Broadcom và Texas Instruments của Mỹ, Murata của Nhật,...
Ở những nơi khác trên thế giới, Apple đã cố gắng duy trì coban thô trực tiếp từ nhiều công ty khai thác, hòng đảm bảo sự thiếu hụt không ảnh hưởng đến khả năng sản xuất pin iPhone của họ.
Hàng ngàn linh kiện như vậy được tập hợp lại và giao đến tay Foxconn, công ty lắp ráp lớn nhất thế giới với hàng trăm ngàn nhân công. Tùy vào việc Foxconn bố trí cơ sở sản xuất ở đâu mà iPhone sẽ được ghi "địa chỉ" ở đấy. Ngoài Trung Quốc, công ty cũng sản xuất thêm ở Ấn Độ, 1 biện pháp đối phí trong bối cảnh nhà máy Trịnh Châu bị giảm sản lượng như hiện nay.
Lê Trọng (Nguồn: TH&PL)