Theo dữ liệu của CERB, Việt Nam sẽ lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2036.
Theo dữ liệu World Economic League Table 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trong bảng xếp hạng thế giới và lớn thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia) vào năm 2036.
Cụ thể, năm 2021, Việt Nam đứng vị trí thứ 41 thế giới về quy mô kinh tế và dự báo năm 2022 sẽ tăng 5 bậc lên vị trí thứ 36.
Đến năm 2026, CEBR dự báo Việt Nam sẽ lọt top 30 nền kinh tế lớn nhất, năm 2031 sẽ đứng vị trí thứ 24 và năm 2036 vươn lên đứng thứ 20.
Top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2036: Trung Quốc đại lục, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức, Nhật, Anh, Pháp, Indonesia, Brazil, Nga, Canada, Hàn Quốc, Ý, Úc, Tây Ban Nha, Mexico, Saudi Arabia, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Lập luận cho dự báo của mình, CEBR cho biết: Việt Nam ước tính có GDP bình quân đầu người được điều chỉnh theo "Sức mua tương đương" - Purchasing Power Parity (PPP) là 11.608 USD.
Cùng với đó, những xu hướng thuận lợi trên toàn cầu đã giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và đưa đất nước từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình thấp.
Nội dung liên quan
Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức nhất định trên con đường trở thành một quốc gia có thu nhập cao.
Với sự suy giảm thương mại toàn cầu và sự già hóa dân số, Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hiệu quả trong việc thực thi các chính sách, đặc biệt là trong các lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tự động hóa và biến đổi khí hậu.
Nếu đúng theo dự báo, thì đến năm 2036, kinh tế Việt Nam còn vượt qua Ba Lan, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Bỉ, Úc...